Thursday, April 8, 2010

Hãy khám phá Nhà Hàng Chay Sân Mây

Các bạn đã đến nhiều nhà hàng chay để thưởng thức món ăn, nhưng bạn có thực sự ấn tượng với nhà hàng nào không? Hôm nay mình giới thiệu một nhà hàng chay làm bạn ngạc nhiên.

Sân Mây cái tên cũng khá là giản dị, nhưng là lạ, hay hay. Ai tới lần đầu tiên cũng thắc mắc: Tại sao là Sân Mây? Mà không phải là Chân Mây hay …..?

Câu hỏi có một câu trả lời cũng đơn giản như cái tên của quán vậy. Sân Mây là điểm dừng chân trên đỉnh Hàm Rồng, của dãy núi Phan Xi Păng ở Sapa. Nơi đó, du khách có thể, sau khi đã leo lên độ cao hàng trăm mét, có thể ngừng lại để “Ồ! À!” rồi thốt lên “Đẹp quá! Đây chính là thiên đàng!”. Khung cảnh tại Sân Mây rất đúng với cái tên của nó: trải dài trước mắt là một sân mây, mây lãng đãng, mây thảnh thơi, mây chơi, mây “thở.” Hít một hơi thở thật sâu để cảm nhận được sự mầu nhiệm của sự sống, người và mây trở thành một. Mây “thở”, người cũng “thở”, mây chơi, người cũng chơi. Không ai ràng buộc được mây cả, kể cả núi. Người cũng muốn được tự do để mà sống như mây, nên người “gieo mầm” cho một Sân Mây ở thành phố. Ở đó, ai tới cũng phải dừng lại để thở, để cười. Lúc đó, tự khắc, ai cũng sẽ thấy mây.

Khách hàng nghe xong câu trả lời, cũng thấy vui.

Đó chính là cái tâm của 8 người chủ quán trẻ tuổi ở nhà hàng chay Sân Mây.

Là một nhà hàng chay, Sân Mây còn rất “nhỏ” và cũng không mấy tên tuổi.

Là một điểm “để chơi” thì nhà hàng Sân Mây lại có vẻ hơi “già.” Phong cách đầm và ấm, bước vào cảm thấy thoải mái như mới về lại phòng khách nhà mình. Nhà hàng không sang trọng, không nhiều mầu sắc nổi bật. Thấp thoáng đâu đó là những bức họa tiết của sen, mây được vẽ trực tiếp lên tường. Bàn gỗ mộc mạc, chung với vài bức thư pháp. Lầu dưới với những bàn ghế cao được đặc biệt dành cho các cô chú lớn tuổi và gia đình có em nhỏ. Lầu trên là khu vực ngồi bệt với những bàn nâu thấp được thiết kế theo phong cách trà đạo. Thực khách có thể thoải mái ngồi trên tấm đệm bọc vải nâu, gác một chân như kiểu “ ông bà mình dưới quê ” hay xếp bằng cánh sen như kiểu thiền. Tại Sân Mây thực khách có thể thưởng thức nhiều hương vị đặc sắc của ẩm thực chay. Cắn một miếng cuốn diếp, đăng đắng, cay cay, uống một hớp trà Cung Đinh thanh thanh, ngòn ngọt, nhìn ra mây trời trong veo, cảm giác như đang đứng ở Lầu Vọng cảnh ở cung đình Huế, nhẹ nhàng mà cũng sang lắm! Hoặc, gia đình quây quần bên nhau, người gắp bún, người bỏ rau vào nồi lẩu nấm Sân Mây, cười nói vui vẻ rong một không gian ấm cúng ,có giấc mơ nào đẹp hơn nữa! Vậy mới biết ẩm thực chay có rất nhiều điều thú vị đợi chờ ta khám phá và chiêm nghiệm.

Đến với Sân Mây, bạn không chỉ đơn thuần thưởng thức ẩm thực chay mà còn được tận hưởng một không gian nhẹ nhàng, thoáng đoãng. Trong không gian đó, tâm hồn con người như thư thái hơn. Từ đó cảnh càng thanh thoát hơn, như cảnh và người hòa quyện vào nhau vậy.

Chính vì vậy, gọi Sân Mây là một sân chơi cho những người yêu thích tự do của tâm hồn ,là ngôi nhà tinh thần để bất cứ khi nào bạn cũng có thể quay về để nghỉ ngơi thì đúng hơn chỉ là một nhà hàng chay đơn thuần.

Wednesday, March 3, 2010

Món Nem Chay và Chả Lá Lốt

Hôm nay Ẩm thực chay xin giới thiệu món Chả lá lốt và Nem chay , các bạn hãy chuẩn bị để có một món ăn thật ngon nha :D

Nguyên liệu:
- Đậu phụ: 1 bìa
- Lá lốt (chọn lá xanh, to, không bị rách), 2 mớ
- Mộc nhỉ: 3 cái
- Nấm hương: 3 cái
- Gia vị

Cách làm:
- Đậu phụ cho vào bát nghiền nhuyễn, mộc nhỉ, nấm hương ngâm nước cho nở rồi bỏ chân, rửa sạch, thái nhỏ.
- Trộn đều các thứ trên, cho chút gia vị
- Lá lốt rửa sạch, để ráo nước, trải ra trên thớt, cho nhân vào và cuốn như cuốn chả lá lốt thông thường rồi rán lên. Chấm với nước mắm chay.
- Ăn cùng cơm hoặc bún.

Nem chay:

Nguyên liệu:
- Đậu phụ: 1 or 2 bìa tùy nhu cầu,
- Các loại rau củ (cà rốt, su hào, củ cải, củ đậu), mỗi thứ 1 tý
- Miến 1 ít
- Nấm hương, mộc nhỉ mỗi thứ 1 tý
- Mùi ta 1 ít
- Gia vị (muối, mì chính, hạt tiêu)
- Bánh đa nem: 1 xấp

Cách làm:
- Đậu phụ bóp nát, cho vào tô
- Các loại củ gọt vỏ, thái chỉ (càng nhỏ càng tốt)
- Miền ngâm nước cho mềm rồi cắt nhỏ
- Nấm hương, mộc nhỉ ngâm, bỏ chân, thái nhỏ
- Mùi rửa sạch, thái nhỏ
- Nêm gia vị
- Trải bánh đa nem ra, gói như gói nem cuốn
- Bắc chảo lên bếp, đun nóng dầu và cho nem vào rán,
- Ăn với dưa góp + rau sống (+ cơm hoặc bún)

Các bạn có thể đến Nhà Hàng Chay Sân Mây để thưởng thức các món ăn nha :D

Saturday, February 6, 2010

Bánh Chay Đậu Xanh

Cách làm món bánh Chay Đậu Xanh, nguyên tắc chung là sử dụng các loại đậu, bột... nấu chín, làm mịn, nặn hình, nhuộm màu, nhúng rau câu hoặc gelatin với hương liệu.

Nguyên liệu và cách làm bánh Chay: Đậu xanh đã cà vỏ: Ngâm đậu trong nước nóng một giờ, hong chín, tán nhuyễn mịn khi đậu còn nóng. Cho vào mỗi ký đậu 400g đường, bắc lên bếp, xào đều tay, để nhỏ lửa cho đến khi tan đường và ráo lại, tiếp tục cho vào đậu từ hai đến ba - bốn muỗng xúp dầu ăn loại ngon, tùy chất lượng đậu, lượng dầu vừa đủ để sau khi trộn đều, khối đậu sẽ dẻo mịn, còn hơi ướt là tắt bếp, để đến khi nguội có thể dùng tay sử dụng là vừa.



Chuẩn bị ít tăm, vài miếng xốp vụn hoặc một hai trái khổ qua, mướp; vài cành lá của các loại hoa quả muốn tạo hình hoặc cành lá tương tự. Màu thực phẩm, cọ lông nhỏ. Chia màu ra từng chén nhỏ, tùy ý pha màu theo yêu cầu. Lấy từng phần đậu, khéo léo nặn thành hình những loại trái cây đơn giản như khế, ớt, cà chua, cà tím, dưa leo, măng cụt... Với những loại trái cây có vỏ phức tạp như thơm, mãng cầu, vải... cần có dụng cụ chuyên dùng như dao chạm; bao lưới để bọc lấy viên bột, xiết nhẹ lại, mở ra là tạo hình xong phần vỏ. Nếu muốn bánh có hình hoa mai, hoa đào thì cho vào bao gắn đuôi bắt bông kem để nặn. Sắp xếp thành tiểu cảnh trên đĩa. Ghim vào đầu mỗi trái cây một cây tăm. Dùng màu tô cho sinh động lên mỗi loại hoa quả rồi cắm tăm lên miếng xốp hay trái mướp để khô mặt. Ngâm rau câu theo tỷ lệ: cứ 10g rau câu + 900g nước. Sau 30 phút thì bắc lên bếp nấu, để nhỏ lửa cho đến khi bột tan hết, chia ra từng chén, để nguội bớt, tùy thích nhỏ vào mỗi chén ít giọt hương liệu như vani, dâu, táo, cam... Cầm tăm nhúng trái cây đã khô màu vào chén rau câu, lấy ra để chảy ráo, ghim lại vào miếng xốp cho khô, sau cùng, cắm cành tùy loại để trang trí. Nếu làm tiểu cảnh trên đĩa thì dùng cọ phết rau câu loãng lên. Rau câu sẽ tạo vẻ tươi bóng cho hoa quả. Lưu ý: đừng nhúng rau câu nóng, sẽ bị loang màu. Sau khi để nguội, tùy ý nhúng thêm rau câu một lần nữa. Kết bánh hoa quả thành mâm bánh trái, trang trí trên các loại bánh ngọt, bánh kem. Bảo quản lạnh sẽ để được lâu.

Cẩm Tuyết (Phụ nữ) Ẩm Thực Chay